Duy trì bình ổn giá 6 tháng cuối năm

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức xấp xỉ 5% là một tín hiệu khả quan, hoàn toàn phù hợp với điều kiện nền kinh tế vừa thoát khỏi suy thoái và đang trên đà phục hồi.

Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 4,78% so với tháng 12/2009. Điều này cho thấy các chính sách bình ổn giá của Chính phủ bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, giá trên thị trường thế giới còn có những biến động khó lường, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất do kinh tế thế giới trên đà phục hồi; nhiều nền kinh tế lớn đang kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao nên sẽ tác động mạnh đến thị trường giá cả và sản xuất trong nước thời gian tới.

Theo ý kiến của người dân thì giá các mặt hàng tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2010 không tăng đột biến như năm 2009, mà theo chiều hướng tăng từ từ trong quý I, sau đó có dấu hiệu chững lại trong quý II. Việc hạn chế được cơn “bão giá” trong thời gian qua giúp người dân thích nghi dần và chủ động tính toán chi tiêu trong gia đình.

Thời gian qua, nhiều nhà sản xuất và phân phối nỗ lực cùng Chính phủ ổn định giá cả. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng của Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, rau củ, được giữ nguyên giá bán; mặt hàng gia dụng như giày dép, quần áo, đồ điện tử còn giảm giá. Có được điều này, siêu thị Big C đã xây dựng quỹ bình ổn giá lên đến hàng chục tỷ đồng để triển khai các chương trình giảm giá từ 1.500-3.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; tăng cường hợp tác theo hướng ổn định, lâu dài với nhiều nhà cung cấp, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ khâu gieo trồng.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, CPI mức xấp xỉ 5% là một tín hiệu khả quan, hoàn toàn phù hợp với điều kiện nền kinh tế vừa thoát khỏi suy thoái và đang trên đà phục hồi. TS Nguyễn Minh Phong đánh giá cao sự điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là việc kiểm soát chặt chẽ giá điện. Đây là động thái quan trọng giúp chấn chỉnh về mặt chính sách cũng như trấn an về mặt  tinh thần, kiềm chế bớt những kỳ vọng đầu cơ và những động thái giá cả không phù hợp với thị trường.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu vẫn diễn biến do tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách quốc gia, đặc biệt ở Hy Lạp tăng cao; đồng thời giá cả mặt hàng chủ chốt như vàng, dầu mỏ, lương thực thực phẩm, kim loại, năng lượng sinh học sẽ có xu hướng tăng cùng với việc bùng phát dịch bệnh. Vì vậy lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể tăng cao trở lại, nếu chúng ta không có những đối sách hợp lý.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính: 6 tháng cuối năm, muốn kiềm chế chỉ số giá không tăng quá 7%, Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Tổng công ty, các Tập đoàn kinh tế hỗ trợ bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là vào dịp cuối năm.

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Sở Tài chính địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách của địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết, chú trọng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM; kiểm soát phương án trợ cấp giá cho đồng bào dân tộc tại vùng sâu, vùng xa.

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (thuộc Bộ Công thương), trong thời gian tới, giá cả một số mặt hàng có “độ nhạy” cao với CPI như gạo, thịt lợn, xăng dầu, thuốc chữa bệnh… sẽ tiếp tục được giữ ổn định. Dự báo, cùng với sự điều hành linh hoạt của các cơ quan chức năng, các yếu tố nói trên sẽ giúp CPI trong thời gian tới tiếp tục giữ ổn định./.

Theo VOV

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online